Ông Trần Hoàng, ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú cho biết: “Trước kia kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, cuộc sống thiếu trước hụt sau nên rất vất vả. Nhờ được chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đồng thời tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình nên gia đình có điều kiện xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò. Giờ đây, với 5 công ruộng và 5 con bò, cuộc sống gia đình dần ổn định, gia đình cũng vươn lên thoát nghèo”. Cùng chung niềm vui thoát nghèo như ông Trần Hoàng, chú Thạch Sơn, ấp Nước Mặn 2, chia sẻ: “Gia đình không có đất sản xuất, cuộc sống dựa vào công việc làm thuê là chính. Thấy được sự khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho vay vốn trên 60 triệu đồng từ các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước. Các chính sách ưu đãi đã tiếp thêm động lực để gia đình tôi phấn đấu, tích cực lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đến nay, kinh tế đã khấm khá hơn, gia đình cũng đã cất lại căn nhà xuống cấp với trị giá 230 triệu đồng”.
Theo đồng chí Trần Văn Son - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú, gia đình ông Trần Hoàng và chú Thạch Sơn là hai trong nhiều hộ đồng bào Khmer ở địa phương vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Với đặc điểm là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 78% dân số, Đảng ủy, chính quyền xã Long Phú luôn quan tâm thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào, tiêu biểu như: Chương trình 135 hỗ trợ phát triển sản xuất, Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, Quyết định số 33-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, nhờ đó đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, hiện xã còn 405 hộ dân tộc thiểu số nghèo.
Chú thích ảnh: Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện
Không chỉ riêng xã Long Phú, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền UBND huyện Long Phú luôn quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi đối với các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng chí Thạch Chanh Cha - Phó Phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết: “Để góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giảm nghèo, nâng cao mức sống, chăm lo giáo dục, y tế, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào; đồng thời huyện cũng đã huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc”.
Trong giai đoạn 2014 - 2019, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: triển khai thực hiện Chương trình 135 với tổng nguồn vốn đầu tư trên 161 tỉ đồng, qua nguồn vốn đã xây dựng 189 công trình giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 532 hộ dân tộc thiểu số với kinh phí trên 6 tỉ đồng; hỗ trợ trực tiếp cho 58.041 người dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền trên 5,6 tỉ đồng; hỗ trợ vay vốn xây nhà ở cho 114 hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất cho 3.380 hộ dân tộc thiểu số với tổng dư nợ trên 57,7 tỉ đồng... Thông qua đó đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 1.133 hộ, chiếm 43,1% tổng số hộ nghèo toàn huyện. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện còn chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, qua đó đã đầu tư trên 86,3 tỉ đồng tăng cường cơ sở vật chất cho các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện; thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 19 tỉ đồng; đồng thời mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai tích cực, công tác khám điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn được các cơ sở y tế từ huyện đến xã duy trì thường xuyên. Ngoài ra, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn ổn định, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không ngừng được nâng lên, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu của các thế lực thù địch hầu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ việc tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước. Theo đồng chí Thạch Chanh Cha, trong thời gian tới, huyện Long Phú sẽ tiếp tục quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; nâng cao vai trò của các phòng, ban và địa phương trong việc tuyên truyền, định hướng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển sản xuất. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, các dịch vụ khám, chữa bệnh trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và không ngừng củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bài và ảnh: Sóc Ca.